ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ HỆ SỐ K

ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ HỆ SỐ K
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhận được văn bản từ các cơ quan quản lý thuế yêu cầu giải trình “Hệ số K”, vậy cách tính như thế nào và hệ số K để làm gì là câu hỏi mà không ít ACE đồng nghiệp làm kế toán – đặc biệt những người đã nhận được yêu cầu giải trình từ cơ quan thuế rất quan tâm.

Trước hết, chúng ta cần biết hệ số K được tính để làm gì?

Theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 16, Nghị định 123/NĐ-CP thì “Trường hợp có hành vi lập hóa đơn điện tử phục vụ mục đích bán khống hàng hóa, cung cấp dịch vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân bị cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho cơ quan thuế;” thì người nộp thuế đấy sẽ bị ngừng sử dụng hoá đơn điện tử. Như vậy, việc kiểm soát hệ số K là việc ngành thuế cần rà soát xem các doanh nghiệp có xuất khống hoá đơn hay không.

Hệ số K được tính như thế nào?

K = Tổng giá trị hàng hóa bán ra trên hoá đơn / (Tổng giá trị hàng hoá mua vào trên hoá đơn + Tổng giá trị hàng tồn kho)
Hiện nay, Tổng cục thuế đã xây dựng ứng dụng trên hệ thống để ngăn chặn tình trạng xuất hoá đơn khống. Theo đó, nếu dữ liệu cung cấp trên hệ thống của Tổng cục thuế tính toán theo công thức trên thì khi hệ số K > 4 doanh nghiệp sẽ bị liệt kê vào “danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn”.

Việc làm này của ngành thuế là rất cần thiết để từng bước loại trừ các doanh nghiệp cố tình lợi dụng chính sách, gian lận, mua bán hoá đơn gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và NSNN nói chung trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, với cách làm này hiện nay dù mới bắt đầu triển khai nhưng đã bộc lộ khá nhiều bất cập, gây phiền phức, mất thời gian, công sức, nhân lực, vật lực cho không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính vì:

1. Khi tính hệ số K, ngành thuế chưa xem xét đến chức năng, quy trình, mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến thực tế hàng loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có kèm nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng, sản xuất gia công có doanh thu cao hơn rất nhiều lần so với giá trị hàng hoá, nguyên phụ liệu mua vào cộng với hàng tồn kho. Các doanh nghiệp này kinh doanh hoàn toàn tuân thủ pháp luật và hoàn toàn không liên quan đến việc xuất khống hoá đơn nhưng tự dưng lại rơi vào danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn mà không biết tại sao;

2. Khi đã chạy trên hệ thống chưa loại trừ các trường hợp như đề cập trên, nếu hệ số K > 4 ngay lập tức ngành thuế bắt doanh nghiệp phải giải trình rất mất thời gian và công sức, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội và đặc biệt làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư nói chung;

3. Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nhân sự, đủ kiến thức, trình độ chuyên môn để hiểu và thực hiện việc giải trình đúng, đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế dẫn đến việc cơ quan thuế ngừng cung cấp hoá đơn điện tử là điều khó tránh khỏi. Nếu việc này xảy ra không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và đối tác...

Từ các nội dung trên và có thể còn nhiều hơn nữa mà người viết chưa thể liệt kê ra hết, rất mong ngành thuế cần có giải pháp và cách thức thực hiện khoa học và phù hợp hơn, cần loại trừ các doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động kinh doanh nếu áp hệ số K vào luôn > 4 để loại trừ khỏi "danh sách đen" không đáng có nhằm giúp doanh nghiệp tập trung toàn bộ thời gian, nhân lực, tài lực vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay, góp phần cùng với ngành thuế đạt được mục tiêu thu ngân sách như Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023 mà Quốc hội đã đề ra tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã đề ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận

Mã bảo mật